Người dân xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) chăm sóc đàn bò sữa. Ảnh: Xuân Hoàng
Xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) là địa phương có đàn bò sữa do người dân đầu tư nuôi nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đàn bò sữa ở đây đang trên đà giảm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở thôn 3, xã Quỳnh Thắng trước đây nuôi 25 con bò sữa thì hiện chỉ còn 20 con, trong đó 7 con bò đang thời kỳ vắt sữa. Hiện tại, cả 7 con bò mỗi ngày chỉ vắt được 110 kg sữa (để đạt sản lượng phải là 140 kg trở lên).
Theo ông Nam, sản lượng sữa đạt thấp có thể do giống bò không tốt. Nhưng giờ nếu thay con giống là phải đầu tư lớn, vì con bò sữa giá cao, trên 60 triệu đồng/con.
Ông Nguyễn Văn Nam ở thôn 3, xã Quỳnh Thắng cho rằng, để chất lượng sữa được tốt, người chăn nuôi phải thường xuyên chăm sóc bò thật tốt . Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Lê Văn Nga – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết: Những năm gần đây, sản lượng sữa tươi trên địa bàn xã giảm, đồng thời chất lượng sữa cũng không đồng đều. Nhận định có thể do giống bò không còn tốt, bởi lâu nay bà con tự nhân giống tại chỗ nên chất lượng con giống không đảm bảo. Hơn nữa, phần lớn các hộ chăn nuôi bò không đủ điều kiện để di chuyển chuồng trại ra vùng quy hoạch chăn nuôi xã khu dân cư.
Trước thực trạng đó, nhiều gia đình đã phải giảm đàn bò sữa. Tổng đàn bò trên địa bàn xã có thời điểm 420 con, thì nay chỉ còn 370 con, có thể đang giảm nữa.
Xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích 200 ha nhưng đến nay mới có 2 hộ chăn nuôi bò sữa đầu tư nuôi trong vùng quy hoạch. Số còn lại 34 hộ vẫn nuôi trong khu dân cư, nên không thể tăng đàn được.
Ông Lê Văn Nga – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng
Đàn bò sữa do người dân đầu tư nuôi trên địa bàn tỉnh đang giảm dần. Ảnh: Xuân Hoàng
Không chỉ ở Quỳnh Thắng, người dân nuôi bò sữa trên địa bàn khác như: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ cũng giảm mạnh. Như huyện Tân Kỳ cách đây 2 năm có tới 6 hộ đầu tư chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn trên 200 con, nhưng hiện nay chỉ còn 1 hộ duy trì nuôi bò sữa, với 64 con.
Ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho rằng, nguyên nhân người dân bỏ nuôi bò sữa là con bò sữa khó chăm sóc, bên cạnh đó giá sữa bấp bênh nên bà con không mặn mà, điều kiện thu mua sữa của doanh nghiệp ngặt nghèo hơn trước nên nhiều hộ không có lãi. Những hộ bỏ bò sữa đã chuyển sang đầu tư nuôi bò thịt.