Hiệu quả của Probiotics đối với sức khỏe và khả năng sinh trưởng của bê

Probiotics được định nghĩa là những vi sinh vật sống, khi đưa vào cơ thể với số lượng phù hợp, sẽ tạo ra giá trị có ích cho con vật được nhận. Những năm gần đây, có rất nhiều nghiên cứ nói về tiềm năng của probiotics đối với sức khỏe của con người và vật nuôi.

Mục đích chính khi đưa probiotics vào cơ thể là để tăng cường sức khỏe đường ruột bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các hệ vi sinh vật có ích trong cơ thể (vi sinh vật có ích chiếm ưu thế), hạn chế các vi sinh vật có hại xâm nhập và sinh sôi trong đường ruột, tăng cường khả năng tiêu hóa, giảm độ pH và sản sinh ra kháng thể. Các tác động này làm tăng cường khả năng bảo vệ của cơ thể thông qua màng nhầy và khả năng miễn dịch. (Tạp chí Microbes Environ. kỳ 30, số 2, trang 126-132, 2015).

Đối với bê sơ sinh, kháng thể thông thường của nó được phát triển dựa vào hệ vi sinh của con mẹ, môi trường xung quanh, lượng sữa đầu thu nhận, loại thức ăn thu nhận, sự tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, và việc sử dụng kháng sinh. Kết quả là hệ vi sinh vật cộng sinh trong cơ thể có những khác biệt đáng kể bởi mỗi tác nhân riêng lẻ, giữa các cá thể và thậm chí là giữa các trang trại với nhau. Mục đích lớn nhất của bất kể sản phẩm probiotics nào đều là thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi trong cơ thể, không gây ảnh hưởng và ức chế sự phát triển của chúng.

Hệ vi sinh vật cộng sinh trong cơ thể rất năng động và thay đổi thường xuyên theo các tác nhân tác động đến sự phát triển của chúng, như đã đề cập ở trên. Hệ vi sinh vật cộng sinh trong cơ thể người đã được nghiên cứu rất sâu, có khoảng hơn 100.000 chủng vinh sinh vật khác nhau đã được nhận diện. Trong cơ thể người, chúng nặng khoảng 3-5 pounds (1,3 – 2,3kg), số tể bào vi sinh vật nhiều hơn tế bào cơ thể người 10 lần, số DNA chúng có lớn hơn DNA của người là 100 lần. Vì vậy, không có lý do gì không giả định rằng có mối tương quan như vậy trên cơ thể vật nuôi. Điều này thực sự cho ta thấy một thực tế là sự tác động rất lớn của hệ vi sinh vật cộng sinh lên vật nuôi, và tầm quan trọng của việc duy trì sự khỏe mạnh của hệ vi sinh này.

Phần lớn người chăn nuôi chưa nhận ra được tầm quan trọng của hệ vi sinh vật tới dinh dưỡng vật nuôi. Các vi sinh vật này rất quan trọng đối với bê sơ sinh, hỗ trợ tiêu hóa và tăng hiệu quả sử dụng các chất dinh dưỡng thu nhận trong quá trình nuôi dưỡng. Ngay kể cả khi bê sơ sinh chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn tập ăn ở thời điểm còn non, thì những gì bê con ăn vào không được sử dụng một cách hiệu quả tại dạ cỏ và được đưa xuống ruột. Hệ vi sinh vật đường ruột là rất cần thiết để tiêu hóa và sử dụng các loại hydratcacbon nguồn gốc thực vật và xơ cho đến khi chức năng của dạ cỏ được phát triển hoàn toàn. Nếu hệ vi sinh vật cộng sinh trên bê con không được phát triển tốt, hoặc bị ức chế bởi các yếu tố khác, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn thu nhận, do vậy hiển nhiên sẽ làm giảm tăng trọng và hiệu quả sử dụng thức ăn.

Khi sử dụng kháng sinh cho vật nuôi qua đường uống, sự phát triển của hệ vi sinh vật cộng sinh trong cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đối với một số trang trại sử dụng sữa loại (sữa của bò bệnh) cho bê uống, cần lưu ý sự tồn dư kháng sinh trong sữa có thể gây ức chế hệ vi sinh vât trong cơ thể bê con. Quá trình thanh trùng không phá hủy kháng sinh trong sữa loại, do vậy tốt nhất không nên cho bê uống sữa loại có tồn dư kháng sinh, hoặc cần bổ sung thêm probiotics khi bắt buộc phải cho bê uống, nhằm ổn định chức năng của hệ vi sinh vật ở mức tốt nhất có thể.

Các sản phẩm probiotics trên thị trường có thể hòa tan trong sữa, và trong trường hợp sử dụng sữa loại cho bê uống thì đặc biệt nên bổ sung probiotics vào sữa. Để xác định những sản phẩm này có thực sự hiệu quả hay không, cần theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển và tình hình bệnh tật phát sinh của bê. Một điều rất hữu ích là so sánh trọng lượng sơ sinh và trọng lượng lúc cai sữa để đánh giá sự thành công của chương trình dinh dưỡng cho bê sơ sinh, và việc sử dụng probiotics cho bê giai đoạn này có thực sự đem lại hiệu quả.

Quá trình cai sữa cho bê có tác động lớn tới hệ vi sinh vật của bê. Sẽ luôn có những thay đổi lớn trong hệ vi sinh vật khi bê chuyển từ việc sử dụng sữa có khả năng tiêu hóa, hấp thu cao sang thức ăn khô có khả năng tiêu hóa, hấp thu thấp hơn. Những thay đổi này cần thời gian để diễn ra, do vậy cần theo dõi kỹ quá trình cai sữa để quá trình thay đổi diễn ra dần dần. Hạn chế các tác động bất lợi giai đoạn cai sữa là rất quan trọng để hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến  sức khỏe và tăng trọng hàng ngày.

Phương pháp cai sữa áp dụng việc cắt giảm ngay số lần cho uống sữa xuống 1 lần/ngày không nên được áp dụng. Vì làm như vậy bê con sẽ ăn nhiều thức ăn tập ăn hơn vào ngày hôm sau bởi không được nhận lượng sữa như mọi ngày. Việc tăng nhanh chóng lượng thức ăn tinh bột vào dạ cỏ bê con sẽ gây bệnh axit dạ cỏ tiền lâm sàng hoặc lâm sàng. Điều này sẽ tác động đáng kể đến hệ vi sinh vật cộng sinh, làm tăng sự mẫn cảm của bê đối với sự tăng lên nhanh chóng của vi sinh vật có hại, kết quả là tăng bệnh tiêu chảy và hô hấp sau khi cai sữa.

Quá trình cai sữa cho bê là một giai đoạn chuyển đổi lớn của bê, tương tự như quá trình chuyển tiếp từ bò chờ đẻ sang bò vắt sữa. Quá trình cai sữa phải tập chung chủ đạo vào việc quản lý đảm bảo sự thích nghi dần dần của bê với thức ăn khô, tạo điều kiện thời gian phù hợp để hệ vi sinh vật cộng sinh điều chỉnh chủng loại phù hợp, điều đó là rất cần thiết để có thể duy trì hiệu quả sử dụng thức ăn sau này và đặc biệt là đảm bảo sức khỏe đường tiêu hóa.

Một ví dụ về quy trình cai sữa cho bê: Giả sử bê uống được khoảng 8 quarts (7.57L) sữa/ngày, chia làm 2 lần uống. Lượng sữa hàng ngày giữ như vậy cho đến khi bê có thể ăn được lượng thức ăn tập ăn (starter feed) đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng khi giảm sữa. Lượng thức ăn tập ăn này khoảng 4 pounds (1.8kg)/ngày đối với thức ăn tập ăn có 18% Pr thô, hoặc 2 pounds (0.9kg)/ngày đối với thức ăn tập ăn có Pr thô 25%. Quá trình giảm sữa để thực hiện cai sữa khuyến cáo như sau:

Lượng sữa cho ăn buổi sáng Lượng sữa cho ăn buổi chiều
Ngày 0 (chuẩn bị) 4 quarts (3.79L) 4 quarts (3.79L)
Ngày 1 – 4 3 quarts (2.84L)  3 quarts (2.84L)
Ngày 5 – 8 2 quarts (1.89L) 2 quarts (1.89L)
Ngày 9 – 12 1 quarts (0.95L) 1 quarts (0.95L)
Ngày 13 Cai sữa

Quá trình này mất tổng cộng 12 ngày để hoàn thành. Nó giúp hệ vi sinh vật có thời gian để dần dần điều chỉnh chủng loại từ tiêu hóa thức ăn dạng lỏng sang tiêu hóa thức ăn dạng khô. Chương trình cai sữa ngắn hơn có vẻ như sẽ gây ra rối loạn các chủng vi sinh vật và dẫn tới bệnh axit dạ cỏ tiền lâm sàng hoặc lâm sàng. Giai đoạn cai sữa cũng cho thấy sự cần thiết của việc bổ sung probiotics, giúp duy trì hệ vi sinh khỏe mạnh trong quá trình thay đổi trong dạ cỏ và pH đường ruột, cũng như sự hấp thu.

Do hệ vi sinh vật cộng sinh thay đổi thường xuyên và bị ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố môi trường và thức ăn, cũng như việc mắc bệnh và sử dụng kháng sinh, việc sử dụng sản phẩm probiotic tốt là điều rất nên làm khi bê còn đang uống sữa và trong quá trình cai sữa. Một lần nữa xin được nhắc lại, để đánh giá được loại probiotic đang sử dụng có hiệu quả tốt lên sức khỏe và sử dụng thức ăn hay không, cần theo dõi kết quả chặt chẽ thông qua ghi chép chính xác và phân tích các vấn đề sức khỏe phát sinh, tăng trọng của bê.

Thêm nữa, các sản phẩm probiotics đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay, có những sản phẩm được thiết kế để chống lại một bệnh cụ thể. Ví dụ như người ta đã phân lập được loài gây bệnh Clostridia species từ nhiều mẫu phân của một trang trại, và được xác định là nguyên nhân gây bệnh chính ở trang trại này. Người ta đã nuôi cấy loài Clostridia species này với hàng ngàn dòng của Bacillus subtilus để tìm ra dòng Bacillus subtilus có thể sản sinh ra bacteriocins, một loại độc tố có thể giết chết Clostridia species. Khi tìm được dòng Bacillus subtilus phù hợp, người ta có thể nhân ra số lượng lớn rồi đưa vào thức ăn cho gia súc của trang trại này. Khi đó, các trường hợp gia súc bị ốm, chết liên quan đến Clostridia species đã được giảm đáng kể.

Xem thông tin về sản phẩm Probiotics cho gia súc nhai lại tại đây >>>

Vui lòng liên hệ SFarming Vietnam để được tư vấn chi tiết.

Trong tương lai gần, sẽ có thêm nhiều loại sản phẩm probiotics được thiết kế đặc biệt để chống lại loại vi sinh vật gây bệnh nào đó mà có thể gây ra sự bùng phát bệnh tật và gây chết ở trang trại bò sữa. Điều này cũng sẽ làm giảm sử dụng kháng sinh, giảm các trường hợp kháng kháng sinh ở trang trại chăn nuôi.

Cuối cùng, probiotics thường được coi như là một kẻ thầm lặng, và đôi khi còn không thể hiện tác động tích cực. Tuy nhiên, với nhiều nghiên cứu đã được xuất bản, trên cả người và vật nuôi, probiotics đang nhanh chóng được thừa nhận có vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức khỏe của hệ vi sinh vật cộng sinh, đặc biệt đối với bê con. Các công ty danh tiếng đang sản xuất các sản phẩm probiotics chất lượng cao, chứa nhiều dòng lợi khuẩn mang lại kết quả tích cực cho gia súc. Tuy nhiên, việc áp dụng trên trang trại của bạn cần được theo dõi cẩn trọng để đánh giá hiệu quả đích thực của sản phẩm bạn đang dùng lên sức khỏe, tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn và năng suất vật nuôi.

Dịch bởi: SFarming Vietnam Team  |   Nguồn: DH Management

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.