Từ năm 2017, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã triển khai mô hình “Thâm canh cỏ Mulato II” tại huyện Củ Chi, với quy mô 2ha/6 hộ thuộc các xã Thái Mỹ, Nhuận Đức, An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng tham gia.
Đây là giống cỏ có chất lượng và hàm lượng protein cao, đạt 13,35% cao hơn cỏ VA06 (12,87%), cỏ voi (5,6%), rất thích hợp để làm nguồn thức ăn cho bò sữa, đặc biệt là bò đang giai đoạn vắt sữa.
Qua hơn 6 tháng (10/2017 – 4/2018) triển khai, kết quả mô hình cho thấy cỏ Mulato II có chất lượng cao, dễ trồng, tỷ lệ sống đạt 95%, năng suất hơn 220 tấn. Qua thực tế trồng và sử dụng trong khẩu phần ăn của bò, các hộ tham gia mô hình cho biết, cho bò ăn khẩu phần từ cỏ Mulato II bò có năng suất sữa cao hơn (từ 3 – 5%) so với các loại cỏ khác ở địa phương.
Ông Nguyễn Minh Hùng (số 170, đường Bến Đình, tổ 1, ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức) tham gia mô hình trồng cỏ Mulato II (đạt năng suất cao nhất 247 tấn/năm và sản lượng đạt 124 tấn/năm) cho biết: “Theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôi áp dụng đúng quy trình trước khi trồng dọn sạch cỏ dại, tưới nước đất đủ ẩm, cày xới đất, lên luống, tách bụi cỏ giống ra thành từng bụi nhỏ (có 3 – 5 tép đủ rễ để trồng), khoảng cách bụi cách bụi và hàng cách hàng là 40cm, sau khi trồng tưới nước đều liên tục trong 3 ngày giữ độ ẩm cho đất…
Ngoài ra, trong quá trình trồng tôi sử dụng hệ thống tưới phun tự động cho ruộng cỏ, đồng thời sử dụng chất thải từ hệ thống biogas để tưới và làm hệ thống tiêu thoát nước tốt, cỏ sinh trưởng, phát triển mạnh, tỷ lệ lá cao cho năng suất cao, giúp tôi chủ động được nguồn thức ăn thô xanh cho bò sữa”.
Ông Dương Văn Minh, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Củ Chi cho biết, hộ chăn nuôi bò sữa nên áp dụng khẩu phần ăn hợp lý là tăng thức ăn thô xanh từ cỏ Mutalo II để giảm chi phí. Đây cũng là một trong những loại cỏ góp phần tăng diện tích phủ xanh trên địa bàn…