Chăn nuôi trước thềm CPTPP: Những việc cần gấp rút hành động

Thách thức khi Việt Nam thực thi hiệp định CPTPP đối với ngành chăn nuôi là điều đã được nhìn thấy rõ từ lâu. Song, làm thế nào để vượt qua được khó khăn và mở ra cơ hội là điều mà ngành chăn nuôi sẽ phải gấp rút hành động trong thời gian tới.

Với lộ trình đi tới xóa bỏ hoàn toàn thuế NK cho nhiều mặt hàng chủ chốt như thịt lợn, thịt gà từ 8 – 10 năm tới, có thể nói, thời gian vẫn còn cho các nỗ lực tái cơ cấu nhằm nâng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.  

Liên kết chuỗi có tính sống còn

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Nếu so sánh giữa cơ hội và khó khăn giành cho ngành chăn nuôi của Việt Nam khi tham gia CPTPP, thì tỉ lệ này vẫn nghiêng về khó khăn với khoảng 60% (yếu tố thuận lợi chỉ 40%). Cụ thể trong số các quốc gia thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ gặp bất lợi về các sản phẩm thịt bò và sữa từ các nước có trình độ chăn nuôi vượt trội là Canada, Úc và New Zealand. Tuy nhiên đối với các quốc gia thành viên khác ở ASEAN như Malaysia, Brunei và Nhật Bản, Việt Nam lại có phần thuận lợi hơn về ngành chăn nuôi.

16-33-13_dscf5938
Gía thành SX cao đang là yếu thế lớn nhất của chăn nuôi Việt Nam

Theo ông Dương, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay, đó là số lượng nông dân tham gia vào ngành chăn nuôi của Việt Nam còn quá lớn, với gần 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, 3 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 2 triệu hộ dân chăn nuôi trâu bò. Quy mô quá nhỏ của chăn nuôi nông hộ khiến khả năng áp dụng KH-CN, nhất là công nghệ cao để hạ giá thành và nâng chất lượng sản phẩm là rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức và liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi hiện vẫn còn lỏng lẻo. Điều này khiến ngành chăn nuôi vẫn tiềm ẩn các yếu tố thiếu bền vững, cả về mặt kinh tế và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước thách thức từ CPTPP, giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của chăn nuôi Việt Nam trong những năm tới, không còn cách nào khác là phải từng bước giảm dần số hộ chăn nuôi, tăng quy mô/hộ, đi đôi với tổ chức liên kết SX. Trong đó, song song với việc ra đời các tổ chức SX liên kết cho nông hộ như tổ hợp tác, HTX, phải lấy nòng cốt là các DN lớn làm đầu tàu, có sự liên kết giữa DN với các HTX. Theo đó, làm sao ngành chăn nuôi sẽ chỉ còn lại gồm các DN chăn nuôi và các trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp. Các đơn vị chăn nuôi sẽ phải chuyên tâm SX ra sản phẩm có năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, giá thành hạ nhất, các khâu còn lại như giết mổ, kết nối tiêu thụ, chế biến… sẽ được các DN, HTX chuyên nghiệp đứng ra đảm trách.

Trên thực tế, đây là hướng đi mà những năm qua, ngành chăn nuôi cũng đã và đang có những chuyển biến tích cực. Theo đó, ngành chăn nuôi trong nước cũng đang dần hình thành một trật tự mới mà ở đó, chỉ còn lại những trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp, các DN chăn nuôi bài bản. Quy mô/cơ sở chăn nuôi ngày càng lớn, giá thành ngày càng hạ, nếu có thêm sự liên kết thì sức cạnh tranh của chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể nhanh chóng được cải thiện trong những năm tới.

Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) trong TOP 20 các nước nuôi nhiều lợn nái nhất thế giới. Nhưng sản lượng thịt lợn SX được lại chỉ đứng thứ 6 sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Brazil, Nga. Năng suất sinh sản của đàn lợn nái của ta đứng vị trí cuối cùng trong TOP 20. Trong khi nhiều nước Âu, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc chỉ tiêu số lợn cai sữa/nái/năm đạt 24 – 26 con, riêng Đan Mạch 30 – 31 con, còn ở Việt Nam chỉ đạt 17 – 20 con/nái/năm. Năng suất lao động trong ngành chăn nuôi quá thấp. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 – 2 lao động còn ở Việt Nam là trên 20 người

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, một yếu tố khác để hi vọng chăn nuôi Việt Nam vẫn còn cơ hội cạnh tranh khi thực thi CPTPP, đó là nâng cao năng suất. Bởi hiện nay, mặt bằng chung về năng suất chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với một số nước tiên tiến trên thế giới.

Vì vậy với tốc độ tiếp cận và cải thiện về KH-CN trong chăn nuôi hiện nay, đặc biệt là lợi thế về giá TĂCN trong nước khá rẻ, Việt Nam vẫn còn dư địa lớn để có thể nâng năng suất chăn nuôi bình quân lên mức tiệm cận dần với các nước chăn nuôi tiên tiến. Bên cạnh đó, với thói quen tiêu dùng của Việt Nam đa số là thịt tươi, và tới đây sẽ là thịt mát, thị trường nội địa dành cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh lớn so với các loại thịt đông lạnh NK từ nước ngoài về.

Thực hiện nghiêm quy hoạch

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Dương, TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng: Cần phải gấp rút rà soát, đảm bảo tính khả thi và tuân thủ quy hoạch, từng bước hạn chế việc chăn nuôi theo phong trào, tự phát dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá. Việc rà soát quy hoạch cần phải gắn với chế biến và quy hoạch lại đất đai.

Theo đó, cần quy định rõ vùng khuyến khích chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi hoàn toàn. Đây là những hành động để đảm bảo Việt Nam phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới XK được sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới ngày càng nhiều hơn. Đi đôi với đó, là chính sách thu hút đầu tư ở các khu vực khuyến khích chăn nuôi. Đồng thời, cũng cần rà soát, hạn chế mở mới các cơ sở chế biến TĂCN công nghiệp.

Trên cơ sở rà soát lại quy hoạch chăn nuôi trên phạm vi toàn quốc phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi đã được ban hành, cần tổ chức lại chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào đến chế biến, tiêu thụ là giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững. Các DN đầu chuỗi sẽ tiếp cận với thị trường chế biến XK để tổ chức cung ứng nguyên liệu đầu vào.

16-33-13_gc
Chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều sản phẩm NK giá rẻ

Từ bài học chuỗi sản phẩm thịt gà đạt điều kiện XK vào thị trường khó tính Nhật Bản thời gian qua, ngành chăn nuôi nước ta cần tổ chức lại tất cả các ngành hàng khác như thịt lợn, trứng vịt muối, trứng chim cút… theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ khác nhau, trong đó các DN, HTX đóng vai trò rất quan trọng.

Theo đó, khuyến khích hình thức chăn nuôi theo hợp đồng giữa các DN, chủ trang trại lớn có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Chính sách liên kết SX nông sản theo hợp đồng dành cho chăn nuôi theo đó phải đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Nhà nước cần đóng vai trò trung gian để hỗ trợ, trọng tài, tạo dựng lòng tin cho các bên tham gia chuỗi liên kết.

Phải hạ bằng được giá thành

Sức cạnh tranh thấp vẫn là yếu tố lo ngại nhất khi Việt Nam triển khai CPTPP, theo TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi. Tại thời điểm hiện nay, giá heo hơi của nước ta bình quân 46 – 48 ngàn đồng/kg, trong khi ở Canada là 24 – 25 ngàn đồng, ở Mehico là 34 – 35 ngàn đồng, đặc biệt ở Mỹ chỉ khoảng 20 – 21 ngàn đồng/kg. Nhiều năm qua, kim ngạch NK sản phẩm chăn nuôi vượt nhiều lần so với XK. Hàng năm, nước ta phải nhập tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột thịt – xương, bột cá; riêng khoáng vi lượng, vitamin nhập 100%. Gần 80% các loại vacxin được phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia trên thế giới.

Tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu NK 10 tháng đầu năm 2018 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017. Phần lớn các giống vật nuôi cao sản đều phải NK với kim ngạch khoảng 500 triệu USD/năm. Trong khi đó, XK các sản phẩm chăn nuôi chỉ đạt 400 – 500 triệu USD/năm.

Thực thi CPTPP, mở ra cho chúng ta cơ hội đẩy mạnh XK các sản phẩm chăn nuôi. Nhưng các thị trường của khối nổi tiếng khó tính trong CPTPP như Nhật Bản, Úc, Newzealand, Chi-lê, Xin-ga-po… đều có hàng rào kỹ thuật yêu cầu tương đối cao đối với sản phẩm chăn nuôi từ các nước khác.

Trong bối cảnh đó, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở nước ta dù đã được kiểm tra giám sát rất tích cực của các cơ quan chức năng song vẫn tiềm ẩn mối lo. Số lượng NM giết mổ hiện đại, đạt tiêu chí vệ sinh ATTP dù không nhiều nhưng lại hoạt động cầm chừng do chi phí giết mổ cao, không cạnh tranh nổi với lò mổ thủ công.

Công nghệ chế biến bảo quản thịt sau giết mổ còn yếu, các phương tiện vận chuyển thịt sau giết mổ và các quầy bán thịt, sản phẩm chăn nuôi tại chợ đa số chưa đạt yêu cầu vệ sinh ATTP. Nguy cơ và rủi ro lớn nhất đối với ngành chăn nuôi nước ta là dịch bệnh. Dịch bệnh tai xanh, LMLM, cúm gia cầm… vẫn chưa được khống chế triệt để. Hiện nay, Việt Nam mới có 50 vùng (cấp huyện) và 1.092 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, những con số còn quá thấp so với yêu cầu đặt ra.

Ngành chăn nuôi nước ta, vì thế nếu không vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh ATTP, thì dù thuế suất NK của các thị trường tham gia CPTPPP bằng 0%, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cũng không thể tiếp cận, mở rộng thị trường.

Nguồn: nongnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.